Milan Kundera: Những cánh thư thất lạc

 

(Phần Một—Cuốn sách của tiếng cười và sự lãng quên)

 Lời người dịch: Trong bài tựa cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa (không biết tái bản lần thứ mấy), Milan Kundera thuật lại giai thoại khá thú vị như sau: Năm 1980 (lúc này ông đã cùng gia đình sang Pháp định cư), có buổi hội thảo trên kênh truyền hình nào đó nói về sự nghiệp văn học của ông. Một nhân vật trong thành phần tham dự đứng lên phát biểu, gọi cuốn Chuyện đùa là bản cáo trạng hùng hồn tố cáo tội ác chủ nghĩa Stalin. Kundera nghe vậy vội vàng ngắt lời, “Ông làm ơn đừng gán ghép chủ nghĩa Stalin của ông vào tôi. Chuyện đùa chỉ là một câu chuyện tình.”

 Tiểu thuyết Kundera không thiếu những mạch đoạn viết về chính trị—đúng hơn lịch sử chính trị—và ông không bao giờ che giấu thái độ hằn học, gần như thù hận, với nước Nga bởi quốc gia này đã gây nên không biết bao nhiêu tai hoạ và thống khổ cho quê hương ông, cho chính cá nhân ông, nhưng thật sai lầm nếu chúng ta bới móc giữa những dòng chữ ông viết để tìm kiếm một thông điệp hay luận đề chính trị nào. Ông có vẻ dị ứng với tất cả những điều đó. Với ông, lịch sử chỉ là tấm phông trừu tượng mà ông ví tiểu thuyết gia như nhà thiết trí sân khấu kịch dùng nó để kiến dựng một tiết kịch.

 Mặc dù biết vậy, nhưng cũng như phần lớn chúng ta, Kundera chẳng thể nào đứng bên ngoài những biến động lịch sử khốc liệt của thế hệ ông. Thế kỉ XX, châu Âu của ông chứng kiến sự đổ nát kinh hoàng chưa từng thấy trước đó. Hai cuộc thế chiến, Lò thiêu, Quốc xã, Quân phiệt, Cộng sản, như những bóng ma, cho đến tận bây giờ vẫn ám ảnh tâm tư người dân lục địa đó. Bôhêmia của ông—miền đất tuy nhỏ bé nằm nép mình giữa hai cường quốc Đức và Nga nhưng lại là giao điểm chính trị và văn hoá quan trọng—luôn luôn là mảnh đất thiệt thòi và bị giẵm nát trong bất kì cuộc tương tranh lớn nhỏ nào. Ở châu Âu, ngoài Ái Nhĩ Lan, Bôhêmia có lẽ là quốc gia duy nhất mà nền văn học bao giờ cũng trĩu nặng tính thời đại và lịch sử. Dù sao chăng nữa, Kundera vẫn khó lòng đi trệch ra khỏi quy luật đó.

 Nhưng nếu lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh, chỉ là cái phông của tiết kịch, thì cái gì chiếm cứ phần trong đại nhất trong tiểu thuyết Kundera? Câu trả lời giản dị lắm: Đó chính là sự truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể loé lên luồng sáng mới mẻ cho chúng ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện hữu. Đưa ra một định nghĩa cho tính cách của tiểu thuyết, ông nói: “Ngay khi bạn tạo dựng một hiện hữu tưởng tượng, một nhân vật, tự động bạn đối đầu câu hỏi: Bản ngã là gì? Làm cách nào thấu triệt được cái bản ngã đó? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của tiểu thuyết.” Và qua tác phẩm chúng ta thấy ông  truy xét cái bản ngã đó đến tận cùng. Bản ngã bị ông lật trái lật phải, lật ngang lật dọc đến chóng mặt. Nhưng không phải vì thế ông chụp bắt được điều ông muốn kiếm tìm, bản ngã vẫn vuột khỏi tầm tay, và ông thú nhận cuộc truy tìm bao giờ cũng chấm dứt trong nghịch lí.

 Đọc Kundera, chúng ta cũng dễ dàng mắc phải ngộ nhận cho là tiểu thuyết ông chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh. Ý tưởng phê phán nghệ thuật chẳng qua chỉ là cái gì rút ra từ các trào lưu triết học và lí thuyết bị ông đem ra phản bác gay gắt. Dùng tác phẩm văn học của các nhà văn cận/hiện-đại, ông bảo tiểu thuyết đụng đến vô thức trước khi có Freud, giai cấp đấu tranh trước khi có Marx; trước khi các nhà hiện tượng học ra đời tiểu thuyết đã nói đến hiện tượng học và để chứng minh ông đưa Marcel Proust ra làm thí dụ. Câu nói “tiểu thuyết nói những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được” thường được ông đem ra dùng khi cần bênh vực cho vai trò tích cực và vị thế trọng đại không thể thiếu của tiểu thuyết trong đời sống văn hoá con người.

 Kundera cũng tuyệt đối trung thành với những ý niệm mĩ học mà ông khai triển gần như suốt văn nghiệp ông. Ở những cuốn nổi tiếng như Đời nhẹ khôn kham, Chuyện đùa, chúng ta thấy ông say sưa với những cặp phạm trù nặng/nhẹ, tâm-hồn/thế-xác, chung-thuỷ/phản-bội, tiếng-cười/sự-lãng-quên, vân vân. Thậm chí ông lấy cặp phạm trù tiếng-cười/sự-lãng-quên làm nhan đề cho một tác phẩm của ông, Cuốn sách của tiếng cười và sự lãng quên. Ông viết cuốn này vào khoảng giữa thập kỉ 70. “Những cánh thư thất lạc” mà tôi trích dịch dưới đây là phần một của tác phẩm. Tác phẩm có bảy phần như vậy. Gọi nó là truyện ngắn cũng đúng. Nhưng tôi thích xem nó như  biến tấu trong tổ khúc bảy hành âm mà mỗi hành âm là một cuộc truy tìm hiện hữu khác nhau. Khác nhau nhưng vẫn có sự liền lạc chặt chẽ bởi mô-típ chỉ đạo duy nhất chế ngự toàn tác phẩm: sự lãng quên. Những mã số hiện sinh ông sử dụng ở đây vẫn là những phạm trù quen thuộc lồng trong tình huống một chuyện tình buồn cười (các chuyện tình của Kundera đều buồn cười cả, nhưng là nụ cười cay đắng). Tất cả quay cuồng trong bối cảnh lịch sử là đời sống nghẹt thở dưới chế độ công an trị của nhà nước Cộng sản sau khi Nga xua cả nghìn chiến xa và nửa triệu quân sang xâm lăng Bôhêmia.

 Truyện lấy thời điểm năm 1971 và nhân vật chính diện là Mirek, một người trước đấy theo Cách mạng nhưng về sau bị ghép tội phản động. Mirek cố lục lọi từ kí ức xa xăm của mình về mối tình giữa anh và một người đàn bà tên Zdena. Cô không đẹp và anh định tâm thay đổi đời mình bằng cách tẩy xoá vết hằn trong tâm tư với người đàn bà thiếu nhan sắc đó. Anh tìm cách trở lại gặp cô để đòi lại những lá thư tình anh viết cho cô trước đây. Trong lúc lái xe đến nhà cô, anh bị hai gã công an chìm bám sát, theo dõi hành vi của anh. Anh gặp lại Zdena nhưng cô nhất định không chịu trả lại anh đống thư từ. Trên đường về anh dùng mưu mẹo vượt thoát hai gã công an chìm, nhưng sau đó họ đã có mặt tại nhà anh và anh bị bắt ngay khi đặt chân vào nhà.

Kundera cũng miêu tả bức ảnh chụp hôm 21 tháng 2 năm 1948 lúc Vladimir Clementis, một lãnh tụ Cộng sản Tiệp, đứng bên cạnh một lãnh tụ khác, Klement Gottwald, để hiệu triệu quốc dân nhân ngày tuyên bố Độc lập. Và khi Clementis bị kết tội phản quốc năm 1950 thì bộ máy tuyên truyền của nhà nước cũng tẩy xoá luôn hình ảnh của ông trong bức ảnh. Sự kiện nho nhỏ này, một sự kiện không mấy quan trọng đối với Lịch sử Tiệp, bị lịch sử bỏ quên, nhưng cực kì trọng đại đối với Kundera và dưới luồng sáng của tiểu thuyết nó chính là mô-típ cho toàn bộ cuốn sách. “Cuốn sách của tiếng cười và sự lãng quên.”

Đừng kì vọng Kundera cho chúng ta câu trả lời sau khi đọc xong tác phẩm. Sẽ không có câu trả lời và mọi nghi vấn chỉ làm tối tăm thêm cái nghịch lí của đời sống. Hãy nhận ra nét đẹp của nghệ thuật và đó là phần thưởng tối hậu nhà văn có thể cống hiến.

 — Trịnh Y Thư

 1.

 Tháng 2 năm 1948, lãnh tụ Cộng sản Klement Gottwald bước ra bao lơn toà dinh thự xây từ thời Ba-rốc của thủ đô Praha để hiệu triệu hàng trăm nghìn công dân đứng chật ních dưới quảng trường Phố Cổ. Đó là khúc quanh trọng đại của lịch sử Bôhêmia—một thời khắc định mệnh.

Đứng cạnh Gottwald là những đồng chí của ông, Clementis gần nhất, ngay bên cạnh. Tuyết rơi tầm tã, trời se sắt lạnh, và Gottwald để đầu trần. Thấy vậy Clementis ân cần lấy mũ của mình đội lên đầu Gottwald.

Cơ quan tuyên truyền của đảng in ra hàng trăm nghìn bức ảnh Gottwald đứng trên bao lơn, mũ lông thú trên đầu, các đồng chí đứng bên cạnh, nói chuyện với quốc dân. Lịch sử nước Bôhêmia Cộng sản khởi đi từ cái bao lơn đó. Qua bích chương, sách vở, bảo tàng viện, đứa trẻ nào cũng biết rõ bức ảnh.

Bốn năm sau họ khép Clementis vào tội phản quốc và đem ông ra treo cổ. Ngay tức khắc cơ quan tuyên truyền của đảng bôi xoá ông khỏi lịch sử và, dĩ nhiên, ra khỏi tất cả những hình ảnh họ công bố trước đây. Từ lúc đó trở đi, Gottwald đứng một mình trên bao lơn.

Nơi Clementis đứng giờ đây chỉ còn lại bức tường trơ trọi của toà dinh thự. Clementis hoàn toàn tan biến, chẳng còn lại gì, ngoại trừ cái mũ lông thú trên đầu Gottwald.

2.

Đó là năm 1971, Mirek bảo: Cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là cuộc đấu tranh của trí nhớ chống lại sự lãng quên.

Đó là cố gắng bào chữa cho cái bạn bè anh gọi là sự bất cẩn: kì khu viết nhật kí mỗi ngày, giữ kĩ thư từ, sổ tay ghi chép nội dung những buổi hội thảo trong đó họ trao đổi tình hình thời sự và suy luận về con đường đi tương lai. Anh bảo bạn anh: Chẳng có gì vi hiến những việc chúng ta làm. Che đậy và mang mặc cảm tội lỗi trong người là bước khởi đầu của chiến bại.

Tuần trước, trong lúc lao động cùng toán thợ trên nóc toà nhà cao tầng đang xây cất, anh nhìn xuống bên dưới và bỗng thấy chóng mặt. Mất thăng bằng anh ngã xuống và bị cây cột đóng hờ đè lên người. Thoạt đầu có vẻ anh bị thương nặng, nhưng sau đó, khi biết ra chỉ bị nứt nhẹ xương cánh tay, anh thấy vui vui trong lòng bởi nhờ thế anh có vài tuần nghỉ ngơi ở nhà và cuối cùng anh có cơ hội thanh toán những công việc trước đây anh chẳng bao giờ có thời gian làm cho xong.

Cuối cùng anh công nhận bạn bè anh có lí. Hiến pháp quả có bảo đảm quyền tự do ngôn luận; nhưng luật pháp trừng phạt bất kì những ai có hành vi bị xem là có hại cho an ninh Nhà Nước. Người ta chẳng bao giờ biết được khi nào thì nhà nước bắt đầu hét lên chữ này hay chữ kia phương hại đến an ninh quốc gia. Thế là anh quyết định đã đến lúc phải cất giấu vào nơi an toàn những giấy tờ hồ sơ có hại kia.

Nhưng trước hết anh muốn thu xếp cho ổn thoả vấn đề Zdena. Anh gọi điện cho cô, thành phố nơi cô sinh sống cách Praha khoảng trăm cây số, nhưng cô không có nhà. Anh phí mất bốn ngày trời chỉ để gọi cô và mãi đến ngày hôm qua anh mới gặp được cô. Cô hứa chiều nay ở nhà chờ anh đến.

Cậu con trai mười bảy tuổi của Mirek phản đối bố: Mirek sẽ không thể nào lái ô tô được với cánh tay bó bột như thế kia. Quả nhiên anh lái xe thật khó khăn. Cánh tay bị thương đeo băng cứ ỳ ra đong đưa một cách vô tích sự trước ngực anh. Lúc sang số xe, anh phải buông tay lái.

3.

Hai mươi lăm năm trôi qua từ ngày anh có mối tình với Zdena, và tất cả những gì còn lại chỉ là đôi ba kỉ niệm.

Một hôm có hẹn đi chơi với anh, cô xuất hiện tay cầm khăn mù xoa chậm nước mắt và cứ thế sụt sùi. Anh hỏi cô có chuyện gì. Cô bảo một yếu nhân Nga mới qua đời ngày hôm trước. Ông nào tên là Zhdanov, Arbuzov, hay Masturbov gì đó. Căn cứ vào những giọt nước mắt lã chã từ mắt cô rơi xuống, cái chết của ông Masturbov này còn làm cô đau buồn hơn cả cái chết của chính cha đẻ cô.

Có thật thế không? Hay đây chỉ là sản phẩm của lòng căm ghét trong anh ngày hôm nay, nó khiến anh tưởng tượng ra những giọt nước mắt bi thương cô dành cho cái ông Masturbov nào đó. Nhưng dĩ nhiên sự thật là những cảnh huống xảy ra ngay lúc đó làm bằng chứng cho những giọt nước mắt này có thật và đáng tin giờ đây chẳng còn lưu lại chút gì trong trí nhớ anh, vì thế nó trở nên xộc xệch như một bức biếm hoạ.

Tất cả những gì anh còn nhớ về cô đều như thế. Hai người làm tình với nhau lần đầu trong căn phố trọ rồi anh lấy xe điện đưa cô về. (Mirek thấy hả dạ vì anh hoàn toàn quên bẵng chuyện anh có giao hợp với cô, thậm chí một giây phút chuyện đó anh cũng không tài nào nhớ lại được.) Thân hình chắc khoẻ, cao hơn anh (người anh bé nhỏ, mảnh khảnh), cô ngồi trên băng ghế trong góc xe, thân hình tưng lên tưng xuống vì xóc, khuôn mặt tư lự của cô trông buồn bã và già nua quá đỗi. Anh hỏi cô chuyện gì khiến cô trầm tư như vậy, cô bảo anh cô không thoả mãn chuyện làm tình vừa rồi. Cô nói anh làm tình với cô như một trí thức.

Trong mớ thuật ngữ chính trị của thời đó “trí thức” là một từ xúc phạm. Nó ám chỉ kẻ không thức thời, thiếu am hiểu đời sống và bị mọi người xa lánh. Tất cả những người Cộng sản bị những người Cộng sản khác treo cổ vào thời đó đều bị dán lên người danh hiệu này. Khác với những kẻ có đôi bàn chân bám chặt xuống mặt đất, người ta bảo họ nổi lềnh bềnh trong không khí. Thế rồi, ở ý nghĩa nào đó, khi bị trừng phạt, mặt đất dưới chân họ bị lấy đi, và xác thân họ treo lơ lửng trên mặt đất.

Nhưng Zdena muốn nói gì khi cô lên án anh làm tình với cô như một trí thức?

Bởi nguyên do nào đó anh không làm cô vui, và y như chuyện cô có khả năng hoà nhập liên hệ trừu tượng (liên hệ giữa cô với Masturbov, một kẻ lạ hoắc lạ huơ) vào cảm xúc cụ thể nhất (dưới dạng nước mắt), cô có khả năng gán ghép ý nghĩa trừu tượng lên hành vi cụ thể nhất, hoặc một danh hiệu chính trị cho cái gì cô không thoả mãn.

4.

Nhìn vào kính chiếu hậu, anh nhận ra anh đang bị xe khác bám sát đuôi. Anh không bao giờ nghi ngờ chuyện anh bị theo dõi, nhưng cho đến thời điểm này hành vi của họ kín đáo đến mức thượng thừa. Hôm nay chuyện đó đột biến: Họ muốn anh biết họ đang có mặt.

Khoảng hai mươi cây số ngoại thành Praha, giữa đồng không mông quạnh có cái hàng rào cao nghệu, sau hàng rào là trạm xăng và ga ra sửa chữa ô tô. Anh có người bạn làm việc trong đó và anh cần đưa xe vào để bạn anh thay cái cơ phận kích hoạt bị hỏng. Anh ngừng xe trước cổng ra vào, cổng bị chặn bởi thanh đà gỗ cản ngang sơn hai màu trắng đỏ. Đứng bên cạnh cổng là mụ đàn bà dáng người đẫy đà to béo. Mirek chờ mụ nâng thanh đà ngang lên cho anh lái xe vào, nhưng mụ cứ đứng ỳ ra đó, nhìn anh không chớp mắt. Anh nhấn còi inh ỏi mà mụ vẫn không di chuyển. Anh thò hẳn đầu ra khỏi xe.

“Chưa bị bắt à?” Mụ hỏi anh.

“Chưa.” Mirek trả lời mụ. “Này, nhờ tí. Nâng cái cổng lên được không?”

Mụ đứng nhìn anh trân trân thêm chặp nữa đoạn quai miệng ngáp dài, mụ bỏ vào trạm gác. Mụ ngồi xuống ghế quay lưng lại phía anh.

Thế là anh phải chui ra khỏi xe, đi vòng qua cổng vào tận chỗ sửa xe tìm người thợ máy quen. Anh thợ theo anh ra cổng và tự tay đưa cổng lên (mụ đàn bà vẫn ngồi bên trong trạm gác, mắt nhìn ra vô hồn) cho Mirek lái xe vào.

“Ai bảo cậu cứ chường mặt mũi trên truyền hình.” Anh thợ sửa xe bảo Mirek. “Tất cả những con mụ đó đều biết rõ mặt cậu.”

“Con mụ đó là ai thế?” Mirek hỏi bạn anh.

Anh thợ sửa xe bảo anh cuộc xâm lăng của quân lính Nga vào đất Bôhêmia đã làm đảo lộn mọi thứ, mụ chợt thấy có dấu hiệu giúp mụ ra khỏi chỗ tầm thường. Chứng kiến cảnh đổi đời của những người đang từ những địa vị cao (tất cả mọi người đều ở địa vị cao hơn mụ) bỗng nhiên bị tước đoạt mọi thứ từ quyền hành, chức tước, nghề nghiệp cho đến thức ăn thức uống hằng ngày chỉ vì lời tố cáo vu vơ nào đó, mụ hồ hởi lắm và mụ bắt đầu đi tố cáo hết người này đến người kia.

“Thế tại sao mụ vẫn đứng gác cổng? Tại sao họ không cất nhắc mụ ấy lên?”

Anh thợ mỉm cười. “Đếm từ một đến mười mụ ta còn không biết. Họ không kiếm ra việc gì khác cho mụ làm. Họ đành để mụ tự do đi tố cáo người khác. Với mụ, đó là lên chức rồi!”

Anh mở mui xe và thò đầu vào xem xét.

Mirek bỗng thấy gã đàn ông lạ đứng cách anh mươi bước. Anh quay người lại nhìn: Gã mặc sơ mi trắng, cổ thắt cà vạt, áo khoác ngoài màu xám, quần nâu. Gã có cái cổ to khoẻ, khuôn mặt phì nộn, mái tóc hoa râm uốn rợn sóng. Gã đứng đó quan sát anh thợ đang khòm lưng sửa máy xe.

Lát sau anh thợ máy cũng nhận ra sự có mặt của gã, anh đứng thẳng người lên hỏi: “Ông tìm ai?”

Gã trả lời: “Không, tôi chẳng tìm ai cả.”

Anh thợ lại cúi xuống tiếp tục xem máy xe. Anh nói với Mirek, “Cậu biết chuyện này không? Giữa quảng trường Wenceslaus ở Praha có kẻ bị ói mửa. Kẻ khác đi ngang thấy vậy đứng lại nhìn rồi lắc đầu bảo, ‘Tôi hiểu ý ông muốn nói gì.’”

5.

Vụ ám sát Allende nhanh chóng làm lu mờ trí nhớ vụ Nga xâm lăng Bôhêmia, cuộc thảm sát đẫm máu ở Bangladesh khiến vụ Allende rơi vào lãng quên, âm thanh rùng rợn của chiến tranh sa mạc Sinai khoả lấp tiếng kêu rên xiết của Bangladesh, vụ thảm sát ở Cam Bốt khiến người ta quên mất Sinai, và cứ thế tiếp diễn cho đến lúc tất cả mọi thứ đều bị mọi người quên lãng.

Thuở xưa khi lịch sử còn di chuyển với tốc độ chậm rãi, vài ba biến cố dễ dàng ăn sâu vào trí nhớ con người, nó kết hợp thành bối cảnh, mọi người đều hay biết, và trước bối cảnh đó đời sống riêng tư mở ra những trò mạo hiểm. Ngày nay, lịch sử di chuyển với tốc độ nhanh vùn vụt. Chỉ qua đêm chẳng còn ai nhớ đến nữa, sáng sớm hôm sau biến cố lịch sử lóng lánh như giọt sương mai và bởi thế nó không còn là bối cảnh của người kể chuyện nữa, chính nó là cuộc mạo hiểm kì thú, được dựng lại đằng trước bối cảnh là cuộc sống riêng tư tầm thường vô vị.

Bởi chẳng còn biến cố lịch sử nào cùng lúc đậm nét trong trí nhớ chúng ta, bắt buộc tôi phải xem những biến cố cách đây ít năm như thể chúng xảy cả nghìn năm trước: Năm 1939, quân Đức tiến vào Bôhêmia, và quốc gia Tiệp bị xoá sổ. Năm 1945, quân Nga tiến vào Bôhêmia và quốc gia này một lần nữa được gọi là một cộng hoà độc lập. Dân chúng vồ vập lấy nước Nga vì Nga đánh đuổi Đức ra khỏi xứ sở họ, và bởi đảng Cộng sản Tiệp là cánh tay trung thành của Nga, người dân quay sang hướng về họ. Thế là hôm tháng 2 năm 1948 Cộng sản lên nắm chính quyền giữa tiếng hò reo vang dậy của một nửa dân chúng mà không hề có máu đổ hay bạo động nào xảy ra. Xin ghi nhớ: phân nửa dân chúng hò reo là những người năng động hơn, thông minh hơn, tài giỏi hơn.

Vâng, bạn cứ việc nói thế, người Cộng sản là người thông minh vượt trội. Họ có trong tay chương trình vĩ đại. Dự án cho một thế giới hoàn toàn mới mẻ trong đó mỗi người đều có thể tìm ra chỗ đứng của mình. Phe chống đối chẳng có giấc mơ lớn nào, chỉ vài ba nguyên tắc đạo lí, cũ mòn và ngắc ngoải, để vá víu cái quần rách bươm của nền trật tự cũ. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kẻ nhiệt tình, kẻ với tinh thần phấn chấn dễ dàng chiến thắng kẻ lừng khừng, nhút nhát. Họ không để phí phạm thời gian và đã nhanh chóng biến giấc mơ của họ thành hiện thực: kiến tạo khu vườn thượng uyển của công lí cho tất cả mọi người.

Tôi nhấn mạnh: khu vườn thượng uyển cho tất cả mọi người, bởi con người chúng ta đều luôn luôn vọng tưởng lên khu vườn nơi có tiếng hót của chim hoạ mi, nơi tuyệt đối hài hoà thế gian không xa lạ với con người và không có cảnh người ức hiếp người, nơi thế giới và tất cả con người trở nên đồng dạng cùng một thể chất. Nơi đó, mỗi con người là nốt nhạc trong bản fuga tuyệt vời của Bach và bất cứ ai không chịu trở thành nốt nhạc đó sẽ chỉ là chấm đen, cần tóm cổ nó ra và bóp nát nó giữa hai ngón tay như bóp chết con muỗi.

Có những kẻ ngay tức khắc đã tự hiểu mình không đủ tính cách thích ứng cho khu vườn thượng uyển như vậy và mong ước của họ là lìa bỏ quê hương ra đi. Nhưng bởi định nghĩa cơ bản của vườn thượng uyển là thế giới cho tất cả mọi người, những kẻ muốn di cư lộ nguyên hình là những kẻ từ chối vườn thượng uyển, thế là thay vì ra nước ngoài họ vào tù nằm. Chẳng bao lâu nhập bọn với họ là hàng nghìn, hàng chục nghìn người khác, trong đó có cả nhiều người Cộng sản như ông Ngoại trưởng Clementis, người đã cho Gottwald mượn cái mũ lông thú. Những tình nhân nhút nhát nắm tay nhau trên màn bạc, kẻ ngoại tình bị đem ra toà án nhân dân xét xử thật nặng, chim hoạ mi vẫn hót, và xác thân Clementis đong đưa như cái chuông đang đổ rền vang giữa buổi bình minh của nhân loại.

Thế rồi những kẻ cấp tiến thông minh trẻ tuổi đó bỗng có cảm tưởng lạ lùng, đó là họ đã phóng thả ra thế giới bên ngoài một tuyệt tác và giờ đây nó có đời sống khác mất rồi, nó không còn giống cái ý tưởng nguyên thuỷ khi xưa nữa, và nó chẳng đoái hoài gì đến những kẻ tạo dựng ra nó. Thế là những kẻ thông minh trẻ tuổi đó bắt đầu kêu la mắng chửi cái tuyệt tác đó, họ kêu gọi nó hãy trở về, họ chê trách nó, họ chạy đuổi theo nó, săn tìm nó. Giả như tôi viết một cuốn tiểu thuyết về thế hệ những kẻ cấp tiến tài giỏi đó, tôi sẽ đặt nhan đề cuốn sách là Đuổi theo một tuyệt tác hư hỏng.

6.

Anh thợ máy đóng sập mui chiếc ô tô, Mirek hỏi anh bao nhiêu tiền.

“Có gì đâu. Tôi làm không công cho cậu.” Anh thợ trả lời.

Mirek thấy cảm kích, anh lên xe ngồi sau tay lái. Anh thấy mất hết mọi hứng thú để tiếp tục chuyến đi. Anh chỉ muốn ở lại nghe bạn anh kể chuyện phiếm và tán gẫu với anh. Anh thợ chui nửa người vào xe vỗ vai anh. Đoạn anh ra mở cổng.

Trong lúc Mirek lái xe ra khỏi cổng, anh thợ hất hàm về phía chiếc xe đang đậu trước cổng ra vào ga ra.

Gã đàn ông có cái cổ to khoẻ và mái tóc rợn sóng đứng cạnh cổng mắt không rời Mirek. Gã ngồi sau tay lái cũng thế. Cả hai đều trơ trẽn lì lợm, chẳng biết ngượng là gì. Mirek lộ vẻ khinh bỉ ra mặt lúc anh lái xe ngang hai gã.

Qua kính chiếu hậu, anh thấy gã đứng ngoài nhẩy vội vào xe rồi chiếc xe trở ngược đầu  tiếp tục bám đuôi anh. Linh cảm cho anh biết anh phải làm cái gì đó để tẩu tán mớ giấy tờ có hại cho anh và bạn bè anh. Phải chi ngay hôm đầu tiên nghỉ ở nhà anh thực hiện việc đó thay vì chờ đợi nói chuyện với Zdena trên điện thoại thì có lẽ mọi chuyện đã đâu vào đấy và anh không bị nguy hiểm nào đe doạ. Nhưng anh đầu óc anh cứ mãi vướng bận về chuyến đi thăm Zdena này. Thật ra, anh đã tính chuyện đi thăm cô từ mấy năm nay. Nhưng thời gian cách đây mấy tuần anh có cảm tưởng anh không thể nào lần lữa thêm được nữa, bởi định mệnh anh đã sắp đến đoạn cuối và anh phải làm tất cả những gì anh làm được để mọi chuyện trở nên tuyệt hảo và đẹp đẽ.

7.

Những ngày tháng xa xôi đó, sau khi chia tay với Zdena anh thấy tự do phơi phới và mọi chuyện trong đời anh bỗng nhiên dường như trở nên thuận buồm xuôi gió. Ít lâu sau anh lập gia đình với người đàn bà mà nhan sắc cô khiến lòng tự tin anh vọt hẳn lên. Thế rồi người vợ xinh đẹp của anh qua đời, để lại anh đứa con trai. Anh sống cảnh gà trống nuôi con nhưng là hình thức độc thân màu mè đỏm dáng lôi cuốn sự mến phục, chú ý và ân cần thăm hỏi từ nhiều phụ nữ khác.

Cùng lúc, anh cũng thành công vượt bực trong sự nghiệp khoa học, anh trở thành khoa học gia danh tiếng và nhờ thế anh tránh được nhiều điều phiền toái. Bởi nhà nước cần anh nên anh không ngần ngại phát biểu những lời tuyên bố có giọng điệu chính trị khiêu khích và thẳng thừng trước khi người khác dám làm. Đó là lúc phe cố gắng kêu gọi cái tuyệt tác hãy trở về với nguồn cội đang nắm thế chủ động, anh xuất hiện càng lúc càng thường xuyên trên màn ảnh truyền hình, và chẳng bao lâu anh trở thành nhân vật tăm tiếng trong xã hội. Khi người Nga đến, anh không chịu từ bỏ niềm tin của mình, họ sa thải anh khỏi cơ quan và cho công an chìm bao vây, săn đuổi anh.

Xin hiểu giùm tôi: Tôi nói anh yêu định mệnh anh chứ không phải anh yêu chính anh. Đó là hai điều hoàn toàn khác biệt. Như thể đời sống thoát li ra khỏi anh và đột nhiên có những ý muốn khác của riêng nó không dính dáng gì đến Mirek nữa. Tôi tin thế, đó là cách làm thế nào biến đời sống thành định mệnh. Định mệnh chẳng thèm nhấc ngón tay cho Mirek (cho hạnh phúc, sự bình ổn, yên vui, hoặc sức khoẻ của anh), trong khi Mirek sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho định mệnh anh (cho cái vĩ đại, cái trong sáng, cái đẹp, cái phong cách, cái ý nghĩa tuyệt đỉnh của nó). Anh thấy anh có trách nhiệm với định mệnh anh, nhưng định mệnh anh thì không hề có trách nhiệm gì với anh.

Thái độ anh đối với đời sống tương tự thái độ của nhà điêu khắc với bức tượng của mình hoặc của nhà văn với tác phẩm tiểu thuyết mình là tác giả. Sửa chữa tác phẩm là quyền hạn bất khả tách biệt của nhà viết tiểu thuyết. Nếu không vừa ý với đoạn mở đầu nữa, ông ta có quyền viết lại hoặc xoá hết. Nhưng sự hiện hữu của Zdena tước bỏ đặc quyền nhà văn của Mirek. Zdena nhất quyết ở lại những trang đầu của cuốn tiểu thuyết. Bôi xoá cô ư? Không đời nào.

8.

Nhưng tại sao anh thấy quá xấu hổ về Zdena như thế?

Cách giải thích dễ nhất là: Mirek là một trong những người theo phe nhất quyết săn tìm  cho bằng được cái tuyệt tác xổng chuồng của họ, trong lúc Zdena vẫn luôn luôn trung thành với khu vườn nơi chim hoạ mi cất tiếng hót. Gần đây hơn thậm chí cô còn gia nhập hai phần trăm dân số vui mừng chào đón chiến xa Nga.

Vâng, điều đó đúng, nhưng tôi không thấy nó đủ sức thuyết phục. Nếu chỉ vì cô vui mừng đi chào đón chiến xa Nga thì anh chỉ việc lớn tiếng công kích cô trước công chúng là đủ, anh chẳng cần phải chối đây đẩy là chẳng hề quen biết cô bao giờ. Không, Zdena đã có lỗi rất lớn với anh. Cô là người đàn bà không nhan sắc.

Nhưng điều đó quan hệ lắm không bởi hơn hai mươi năm nay anh có ngủ với cô nữa đâu?

Điều đó quan hệ lắm: Từ khoảng cách xa như thế nhưng cái mũi to tướng của Zdena vẫn dõi theo phủ cái bóng lên cuộc đời anh.

Cách đây ít năm anh có cô tình nhân xinh đẹp. Có lần cô viếng thăm tỉnh lị nơi Zdena sinh sống, lúc về nhà cô khó chịu bảo anh, “Này, tôi không hiểu làm sao anh có thể lên giường ngủ với con đàn bà xấu khổ xấu sở đến thế?”

Anh nói anh chỉ quen sơ người đàn bà đó thôi và anh chối phăng anh chẳng bao giờ có áp phe với cô ta.

Bởi anh cũng biết một bí mật lớn của đời sống: Đàn bà không đi tìm kiếm đàn ông đẹp trai, họ tìm những đàn ông có đàn bà đẹp chung quanh. Bởi thế có tình nhân xấu là sai lầm nghiêm trọng chết người. Mirek cố gắng hết sức tẩy xoá mọi dấu vết của Zdena ra khỏi cuộc sống anh, và bởi những kẻ yêu chim hoạ mi mỗi ngày qua càng lúc càng ghét anh, anh hi vọng Zdena, kẻ đang bận rộn trèo lên nấc thang quyền lực trong đảng, sẽ nhanh chóng và vui vẻ cho anh vào dĩ vãng.

Anh thật sai lầm. Cô nói về anh bất cứ đâu, bất cứ nơi nào cô có cơ hội. Trong một lần tình cờ tai hoạ hai người chạm trán nhau nơi công chúng, và cô không ngần ngại đem ra nói những sự kiện ám chỉ xa gần mối liên hệ thân mật giữa anh và cô.

Anh tức giận đến điên người.

Lần khác, một người bạn biết về cô hỏi anh: “Nếu cậu ghét cô ta đến thế, tại sao cậu lại dính dáng với cô ta dạo đó?”

Mirek giải thích lúc đó anh là cậu trai ngu ngốc mới hai mươi tuổi, trong khi cô già hơn anh, cô được nhiều người ái mộ, mến phục, cô có uy quyền! Cô quen biết gần như không thiếu một ai trong Uỷ ban Trung ương! Cô giúp đỡ anh nhiều, đẩy anh lên, giới thiệu anh với những kẻ quyền thế!

“Tôi là thằng bon chen. Cậu hiểu không?” Anh hét lên. “Đó là lí do vì sao tôi bám lấy cô ả. Tôi chẳng cần biết cô ả xấu đến độ nào!”

9.

Mirek đã không nói ra sự thật. Zdena và anh bằng tuổi nhau. Mặc dù Zdena quả có khóc lóc khi cô hay tin lão Masturbov nào đó qua đời, nhưng lúc đó cô làm gì có những quen biết lớn và cô cũng chẳng hề có trong tay lợi thế để thăng tiến sự nghiệp cho chính cô chứ đừng nói cho người khác.

Thế tại sao anh phải bịa đặt ra chuyện đó? Tại sao anh dối trá?

Một tay lái xe, nhìn vào kính chiếu hậu anh thấy xe của hai gã công an chìm, đột nhiên anh nóng bừng mặt. Một kỉ niệm anh tưởng đã quên bẵng bất ngờ quay lại:

Khi cô trách anh làm tình lần đầu tiên với cô như một trí thức, anh cố chứng tỏ với cô anh không thế, ngược lại là đằng khác. Thế là từ ngày hôm sau, anh cho cô thấy sự đam mê rạo rực đang bung phá trong lòng anh. Không, anh đâu có quên tất cả những lần hai người làm tình với nhau! Riêng chuyện này anh nhớ rất rõ: Anh trườn mình trên thân thể cô với vẻ cuồng nhiệt giả tạo, từ miệng anh tuôn ra tràng âm thanh gầm gừ như con chó nhà đang chiến đấu với đôi dép của chủ nó, cùng lúc anh quan sát (khá ngạc nhiên) người đàn bà tỉnh táo, yên lặng, gần như thụ động đang nằm duỗi ra bên dưới.

Tiếng động cơ xe phát ra nghe như tiếng kêu gầm gừ của anh vọng về từ hai mươi lăm năm trước, tiếng kêu đau đáu khôn kham của sự phục tòng, của cơn sốt muốn làm tôi đòi, âm thanh của sự sẵn sàng quy thuận và chấp nhận, của tình cảnh nan giải buồn cười, của nỗi tân khổ đắng cay.

Vâng, sự thật là thế. Mirek thà bảo mình là kẻ bon chen chứ anh không dám công nhận sự thật: Anh làm tình với người đàn bà xấu xí, không nhan sắc bởi anh không dám theo đuổi đàn bà đẹp. Anh chẳng bao giờ dám vói đến người nào xinh đẹp hơn Zdena. Ý chí yếu đuối, sự thua thiệt đó của anh là bí mật anh luôn luôn tìm cách che giấu.

Tiếng máy xe gợi nhớ tiếng kêu gầm gừ cuồng nhiệt của đam mê, nó đang cố thuyết phục anh Zdena chỉ là bóng ma cần được bôi xoá nếu anh thật sự muốn đục bỏ cái thời tuổi trẻ đáng ghét của anh.

Anh ngừng xe trước cửa nhà cô. Xe hai gã công an cũng tắp vào tắt máy ngay sau xe anh.

10.

Biến cố lịch sử đa phần mô phỏng lẫn nhau đến mức nhàm chán, nhưng tôi có cảm tưởng ở Bôhêmia lịch sử đã bày ra một thử nghiệm chưa từng có bao giờ. Tại đó, sự việc không tuần tự đi theo cái quy luật cũ kĩ theo đó một nhóm người (một giai cấp, một quốc gia) nổi lên chống lại nhóm người khác. Thay vì thế, mọi người (cả một thế hệ đàn ông lẫn đàn bà) nổi lên chống lại chính tuổi trẻ của họ.

Họ cố hết sức đi bắt lại và dậy dỗ cho thuần thục cái tuyệt tác do chính họ kiến tạo trước kia, và có lúc chỉ còn chút nữa là họ thành công. Suốt thập kỉ 60 họ càng lúc càng nắm thế chủ động, và bước vào năm 1968 thế chủ động của họ gần như toàn diện. Đây là thời kì thường được mệnh danh là “Mùa Xuân Praha”: những kẻ canh gác vườn thượng uyển trông thấy chính họ phải đến từng tư gia khắp nơi gỡ máy ghi âm lén, họ mở cửa biên giới, và những nốt nhạc đua nhau trốn bỏ bản tấu khúc hoành tráng của Bach để cất lên tiếng hát của riêng mình. Tinh thần họ vui tươi chưa từng thấy. Một cuộc hội hè đình đám!

Nước Nga, nhà biên soạn bản fuga hoành tráng cho toàn cầu, không thể nào đứng yên nhìn những nốt nhạc tự tan rã như thế. Ngày 21 tháng 8 năm 1968, họ xua đoàn quân nửa triệu lính vào Bôhêmia. Ít lâu sau đó, một trăm hai mươi nghìn người Tiệp lìa bỏ quê hương họ, và trong số những người ở lại, chừng năm trăm nghìn người bị ép buộc phải từ bỏ chức nghiệp để về miền quê hẻo lánh lao động tại những nhà máy, hãng xưởng xa xôi, hoặc lái xe tải—có nghĩa là, những nơi chốn không ai còn nghe được tiếng nói của họ nữa.

Và để ngăn ngừa cái bóng của trí nhớ không mấy đẹp đẽ đó trở về quấy phá khu vườn thượng uyển vừa được tái tạo, cả hai thứ, Mùa Xuân Praha và chiến xa Nga, vết nhơ trên trang sử tươi đẹp, phải tẩy xoá chúng thật kĩ cho đến khi nào chúng hoàn toàn tan biến. Đó là lí do vì sao ở Bôhêmia ngày nay mỗi năm ngày 21 tháng 8 đi qua lặng lẽ và tên tuổi những kẻ nổi lên chống lại chính tuổi trẻ của họ được cẩn thận gạch xoá ra khỏi trí nhớ của quốc gia, như lỗi sai trong bài tập làm ở nhà của đứa trẻ.

Họ cũng bôi xoá tên tuổi của Mirek. Và trong lúc đang leo lên bậc thang dẫn đến cửa phòng Zdena, anh thật ra chỉ là vết nhơ trắng bạch, một mảnh vụn hữu hạn của hố thẳm tuyệt vọng, và bây giờ nó đang đặt từng bước chân lên cái cầu thang xoắn ốc.

11.

Anh ngồi đối diện Zdena, cánh tay bị thương đong đưa trước ngực. Cô không nhìn thẳng vào anh, ánh mắt cô né về hướng khác, giọng nói cô gấp rút:

“Tôi không rõ anh đến đây làm gì. Nhưng dù sao tôi cũng thấy vui. Tôi có đem chuyện anh ra nói với vài đồng chí. Thật là điên nếu anh định suốt đời làm lao động xây dựng như thế. Đảng chưa hoàn toàn đóng sập cánh cửa với anh đâu. Tôi biết thế. Chắc chắn như thế. Vẫn còn thời gian.”

Anh hỏi cô anh phải làm gì.

“Anh phải yêu cầu một phiên toà điều trần. Chính anh phải là người chủ động làm chuyện đó.”

Anh thấy chuyện gì đang diễn ra. Họ cho anh biết anh vẫn còn năm phút đồng hồ, năm phút cuối cùng để công bố trước bàn dân thiên hạ là anh phủ nhận tất cả những gì anh từng phát biểu hoặc thực hiện trước đây. Anh biết rõ trò buôn bán này của họ: Họ sẵn sàng trao đổi tương lai để lấy quá khứ. Họ muốn ép buộc anh xuất hiện trên truyền hình và nghẹn ngào giải thích rằng anh quả sai lầm vì anh đã công kích người Nga và những con chim hoạ mi. Họ buộc anh phải ném đi đời sống anh và biến thành cái bóng, anh trở thành kẻ không quá khứ, một diễn viên không vai trò, thậm chí họ còn muốn biến cái đời sống anh vất đi kia, ngay cả vai trò người diễn viên rũ phủi, tất cả thành cái bóng. Chỉ khi nào họ hoàn toàn biến anh thành cái bóng họ mới để anh sống yên.

Anh nhìn Zdena: Tại sao cô nói nhanh thế và tại sao giọng nói cô có cái gì không ổn? Tại sao cô không nhìn thẳng anh, tại sao cô né tránh ánh mắt anh?

Chuyện rõ ràng như ban ngày thôi: Cô đang đưa anh vào tròng. Cô đang thi hành công tác theo mật lệnh của đảng hay công an. Công tác của cô là khuyên anh nên đầu hàng.

12.

Nhưng Mirek nghĩ vậy là sai! Chẳng ai giao cô công tác đi thương lượng với anh. Không. Thời này không kẻ quyền thế nào còn có thể thi ân cho Mirek một phiên toà điều trần cho dù anh van xin cầu khẩn thiết tha đến đâu chăng nữa. Đã trễ quá rồi.

Zdena hối thúc anh làm cái gì đó để cứu vớt chính anh và cô bịa đặt ra lời kêu gọi các đống chí cấp trên của cô nhắn xuống, cô nói vậy chẳng qua chỉ vì thật lòng cô muốn tìm mọi cách giúp đỡ anh nhưng cô lại quá rối trí và vô vọng. Và nếu cô nói nhanh, mắt không nhìn thẳng anh thì chẳng phải bởi cô có trò lường gạt nào giấu trong tay áo mà chỉ vì hai tay cô hoàn toàn trống trơn.

Mirek có bao giờ hiểu cô không?

Anh luôn luôn nghĩ Zdena là người tuyệt đối trung thành với đảng bởi cô là kẻ cuồng tín chính trị.

Anh lại sai. Cô trung thành với đảng bởi cô yêu anh.

Khi anh bỏ cô, nguyện vọng duy nhất của cô là cho thấy giá trị của sự thuỷ chung, cô muốn minh chứng giá trị của nó cao hơn rất nhiều các phẩm chất khác. Cô muốn minh chứng anh là kẻ không chung thuỷ trên mọi bình diện, còn cô là người chung thuỷ trên mọi bình diện. Sự cuồng tín chính trị nơi con người cô chẳng qua chỉ là cái cớ, một ngụ ngôn, một biểu hiện cho lòng chung thuỷ, một lời than vãn bóng gió cho mối tình chấm dứt trong thất vọng.

Tôi hình dung ra cô một buổi sáng tháng tám đẹp trời bị đánh thức bởi tiếng máy bay gầm thét kinh hoàng. Cô phóng ra đường, người ta chạy ngoài đường sá hớt hãi bảo cô lính Nga đã tràn qua chiếm đóng Bôhêmia mất rồi. Cô phá lên cười như điên dại! Chiến xa Nga đã đến, họ đến để trừng phạt tất cả những kẻ phản bội! Cuối cùng cô sẽ chứng kiến ngày tàn của Mirek! Cuối cùng cô sẽ thấy anh quỵ gối! Cuối cùng cô—người biết chung thuỷ là gì—sẽ cúi xuống nâng anh lên.

Mirek quyết định phải chấm dứt câu chuyện không đi tới đâu này.

“Cô biết là tôi viết thư cho cô nhiều lắm. Tôi muốn lấy lại những lá thư đó.”

Cô ngước lên nhìn anh đầy kinh ngạc. “Những lá thư?”

“Vâng, những lá thư của tôi. Lúc đó tôi viết cả mấy chục lá cho cô.”

“Vâng, những lá thư của anh. Tôi biết rồi.” Đột nhiên cô không nhìn đi chỗ khác nữa, cô nhìn thẳng vào mắt anh. Mirek có cảm giác không vui là cô có thể nhìn thẳng vào đáy tâm hồn anh, và cô biết chính xác anh muốn cái gì và tại sao.

“Những lá thư của anh, vâng, những lá thư của anh.” Cô lặp đi lặp lại. “Tôi cũng vừa đọc lại chúng. Tôi thắc mắc người như anh sao có được những cảm xúc bùng cháy dữ dội như thế.”

Cô lặp đi lặp lại cụm từ “cảm xúc bùng cháy” mấy lần nữa, giọng cô bây giờ không gấp gáp nữa mà chậm rãi, từ tốn như thể cô đang nhắm kĩ mục tiêu cô không muốn bắn hụt, mắt cô không rời nó, cô muốn cái mục tiêu đó không chạy đi đâu được và cô bắn một phát là phải trúng ngay hồng tâm.

13.

Cánh tay bị thương vẫn đong đưa trước ngực, mặt anh đỏ bừng: trông anh như vừa bị ai tát một cái thật mạnh.

Vâng, những lá thư anh viết cho cô quả là rất tình cảm. Bằng mọi giá anh cần chứng tỏ cho chính anh là tình yêu chứ không phải sự yếu đuối và cảnh nghèo khó đã buộc anh vào người đàn bà này! Và chỉ có nỗi đam mê thật sự to lớn hơn bình thường mới có thể biện minh cho cái áp phe với cô gái xấu đến thế.

“Anh nhớ trong thư anh gọi chúng ta là đồng chí khoác tay nhau trong công cuộc đấu tranh không?”

Nếu có thể, sắc độ màu đỏ trên mặt anh chắc phải đậm thêm bậc nữa. Từ ngữ lố bịch đến vô cùng vô tận, cái từ “đấu tranh”! Cuộc đấu tranh của họ gồm những gì? Tham dự những buổi hội thảo bất tận, hết buổi này sang buổi khác, mông đít họ phồng rộp, nhưng khi đứng lên phát biểu điều gì cực đoan (kẻ thù của giai cấp phải nhận lãnh sự trừng phạt nặng nề hơn nữa, cần phải soạn thảo ý tưởng này ý tưởng nọ bằng những ngôn từ rõ ràng hơn nữa), thì họ có cảm tưởng họ là những nhân vật anh hùng tiết liệt trong tranh nhảy ra: anh, súng trong tay, đang ngã gục xuống đất vì vết thương đẫm máu trên vai; và chị, cũng súng ngắn trong tay, bước đi về phía trước, về miền đất nơi không có anh.

Vào thời đó da mặt anh vẫn còn đầy mụn trứng cá của tuổi dậy thì, và để che đậy nó, anh đeo lên cái mặt nạ của kẻ phẫn nộ và nổi loạn. Anh nói với mọi người anh bỏ nhà, bỏ người cha làm ruộng giàu có dưới quê và anh căm ghét sâu sắc cái truyền thống hàng thế kỉ dưới làng quê bám vào đất đai và tài sản. Anh kể chuyện anh cãi cọ với cha anh như thế nào và anh đã phải dứt áo ra đi. Chẳng có một phân sự thật nào trong đó. Bây giờ nhìn lại, anh chẳng thấy gì ngoài truyền thuyết và những điều trá nguỵ.

“Thuở ấy anh là người hoàn toàn khác.” Zdena bảo anh.

Anh hình dung anh bước ra khỏi nhà Zdena với gói thư. Dừng chân tại một thùng rác gần nhất, anh lấy hai ngón táy nhón gói thư như thể bên trong nó chứa đựng toàn cứt rồi anh thả nó vào thùng rác.

14.

“Anh định làm gì với những lá thư?” Cô hỏi anh. “Tại sao anh muốn lấy lại?”

Anh chẳng thể nào bảo cô anh muốn vứt chúng vào thùng rác. Thế là anh bẻ giọng nói cho trầm xuống rồi anh bảo cô anh đã đến tuổi ngồi lại muốn nhìn ngược về quá khứ đời mình.

(Anh thấy bất ổn với chính anh khi nói vậy. Anh có cảm tưởng câu chuyện chẳng có sức thuyết phục chút nào và anh thấy xấu hổ.)

Vâng, anh đang nhìn lại đời anh bởi ngày nay anh không còn nhớ anh là ai khi còn trẻ. Anh biết anh đã thất bại. Đó là lí do vì sao anh muốn biết anh từ đâu đến để hiểu rõ hơn nơi nào anh đã đi sai bước. Đó là lí do vì sao anh muốn lấy lại những cánh thư anh gửi cho Zdena, tìm ra bí mật thời tuổi trẻ, buổi khởi đầu, điểm ra đi của anh.

Cô lắc đầu. “Tôi sẽ không bao giờ trả lại anh những lá thư đó.”

Anh gạ gẫm cô: “Tôi chỉ muốn mượn lại thôi.”

Cô vẫn lắc đầu.

Anh không gạt bỏ được ý tưởng những cánh thư đó vẫn nằm đâu đây trong căn hộ của cô, và cô sẵn sàng cho bất cứ ai đọc. Anh không thể nào chịu nổi ý tưởng một phần đời anh vẫn nằm trong tay cô, và anh hết sức muốn lấy cái gạt tàn thuốc lá bằng thuỷ tinh đặt trên bàn đập lên đầu cô rồi giật những lá thư và bỏ chạy. Nhưng thay vì làm thế, anh lặp lại câu chuyện anh muốn nhìn lại quá khứ và cần biết thêm cái thuở ban đầu của mình.

Cô nhướng mắt nhìn anh và ánh mắt cô khiến anh im bặt. “Tôi sẽ không bao giờ trả lại anh những lá thư. Không bao giờ.”

15.

Lúc Zdena tiễn anh ra khỏi khu chung cư, hai chiếc xe vẫn đậu ở đấy, chiếc này sau chiếc kia, ngay trước cửa. Hai gã công an chìm đi lên đi xuống phía bên kia đường. Hai gã ngừng bước nhìn sang hai người khi thấy Mirek và Zdena từ trong bước ra.

Anh chỉ tay về phía hai gã: “Hai bác đó theo đuôi tôi suốt buổi trên đường đến đây.”

“Thế à?” Giọng cô ngờ vực, thậm chí mỉa mai trêu chọc. “Có thật mọi người ai cũng ngược đãi anh không đấy?”

Làm sao cô có thể dửng dưng đến độ xem hai gã đàn ông bên kia đường, lộ liễu và xấc xược như thế, chỉ là người lạ tình cờ đi ngang?

Chỉ có duy nhất một giải thích cho câu hỏi mà thôi. Cô đang chơi trò chơi của hai người, trò chơi giả đò công an chìm không hiện hữu và không ai bị ngược đãi. Hai gã băng qua đường và ngay trước mặt hai người hai gã chui vào xe.

“Tạm biệt cô.” Mirek nói trong lúc mắt anh nhìn ra hướng khác. Anh cũng chui vào xe ngồi sau tay lái. Nhìn vào kính chiếu hậu, anh thấy hai gã công an chìm lái theo anh. Anh không thấy Zdena đâu cả. Anh không muốn gặp cô nữa. Anh không bao giờ muốn gặp cô lần nữa.

Và vì thế anh không biết cô đứng trên vỉa hè nhìn theo anh lâu lắm. Sắc diện cô lộ đầy vẻ sợ hãi.

Không, cô không dửng dưng, không phải cô không nhìn thấy hai gã đàn ông đi lên đi xuống phía bên kia đường là công an chìm. Cô chết điếng trong lòng bởi sự việc đã sa đà quá mức rồi. Cô muốn che giấu sự thật, cô che giấu sự thật để cả anh lẫn cô đều không thấy.

16.

Đột nhiên có chiếc xe thể thao màu đỏ chen vào giữa xe Mirek và xe hai gã công an chìm. Mirek nhấn mạnh chân ga. Phố sá bắt đầu xuất hiện. Đến đoạn đường cong, nhận thấy hai gã trong vài giây không thấy anh, anh quặt xe vào con đường nhỏ. Tiếng bánh xe nghiến mặt đường nghe ken két, có đứa trẻ đang định băng qua đường thấy vậy vội vàng nhảy lùi lại vừa kịp lúc tránh xe anh. Nhìn vào kính chiếu hậu, Mirek thấy chiếc xe đỏ chạy ngang nhưng không thấy xe hai gã công an chìm đâu nữa. Lúc sau, anh luồn xe vào con lộ khác và thoát hiểm khỏi tầm nhìn của hai gã công an.

Anh bỏ tỉnh lị bằng con đường khác. Anh nhìn vào kính chiếu hậu. Không ai theo đuôi anh cả, mặt đường không một bóng xe.

Anh tưởng tượng hai gã công an chìm xui xẻo kì này về sẽ bị cấp trên dũa cho một trận nên thân. Anh phá lên cười. Cho xe chạy chậm lại, anh nhìn sang cảnh vật hai bên đường. Đúng ra, trước đây anh có thưởng thức cảnh đẹp dọc đường bao giờ đâu. Bao giờ anh cũng chỉ biết cắm cúi đi đến mục tiêu nào đó, để thu xếp hoặc thảo luận chuyện gì, với anh, không gian của thế giới này là tiêu cực, là phí phạm thời gian, là chướng ngại vật ngăn cản sinh hoạt của anh.

Cách đầu xe không xa, hai thanh cản đường sơn đỏ trắng từ từ hạ xuống. Anh cho xe ngừng lại.

Đột nhiên, anh cảm thấy mệt mỏi hết sức. Tại sao anh đi gặp cô? Tại sao anh muốn xin lại những lá thư? Anh cảm thấy như bị xúc phạm bởi tất cả những gì phi lí, lố bịch và trẻ con về chuyến đi. Anh đi chỉ vì anh không cưỡng lại được cái gì thôi thúc trong lòng anh chứ không phải vì lí lẽ hay toan tính nào. Anh muốn vươn cánh tay thật dài về quá khứ và đấm nó bằng nắm đấm của anh. Anh muốn rạch nát bức tranh khắc hoạ chân dung tuổi trẻ anh. Lòng mong mỏi sôi sục anh không chế ngự nổi và điều đó giờ đây không được thoả mãn.

Anh cảm thấy mệt mỏi hết sức. Có lẽ anh chẳng còn cơ hội nào tẩu tán mớ giấy tờ nguy hại vẫn nằm trong nhà anh nữa. Mọi chuyện kết thúc thật tồi tệ. Công an chìm theo sát anh ngày đêm, họ sẽ không để anh yên. Trễ quá rồi. Vâng, mọi chuyện đều đã quá trễ.

Anh nghe tiếng tàu hoả chạy từ xa lại. Người đàn bà đầu cột khăn màu đỏ đứng trước trạm gác. Tàu chạy chậm, một bác nông dân người vạm vỡ, ống vố cầm trong tay, thò đầu ra ngoài nhổ nước bọt. Đoạn có tiếng chuông reng và người đàn bà đầu cột khăn màu đỏ bước lại quay cần máy nâng thanh cản lên và Mirek cho xe tiếp tục chạy về phía trước. Xe đưa anh đến ngôi làng, con đường dài chấm dứt nơi trạm ga: ngôi nhà nhỏ, một tầng, màu trắng có hàng rào gỗ chung quanh, qua đó bạn có thể trông thấy sân ga và đường rầy.

17.

Cửa sổ trạm ga được trang trí bằng những chậu hoa hải đường. Mirek ngừng xe. Anh ngồi sau tay lái, mắt nhìn ngôi nhà với những chậu hoa màu đỏ nơi cửa sổ. Từ quá khứ xa xăm hiện về trong trí anh hình ảnh ngôi nhà sơn trắng khác cửa sổ đỏ lên sáng rỡ những cánh hải đường. Đó là cái nhà nghỉ nhỏ trong một sơn trang nơi anh về nghỉ hè. Nơi cửa sổ, giữa những cánh hoa, một cái mũi cực lớn xuất hiện. Mirek tròn hai mươi; anh nhìn lên cái mũi và thấy tình yêu tràn trề trong tim.

Anh muốn đạp thật mạnh chân ga để thoát khỏi kí ức đó. Nhưng lần này tôi sẽ không để bị lừa nữa đâu, và tôi kêu gọi cái kí ức đó hãy lưu lại đây trong chốc lát. Và tôi lặp lại: nơi cửa sổ, giữa những cánh hải đường, khuôn mặt Zdena hiện ra, với cái mũi to tướng, và trong lòng Mirek tràn ngập yêu đương.

Có thể thế chăng?

Có thể lắm chứ. Tại sao không? Một cậu trai yếu đuối sao không thật lòng yêu được một cô gái xấu xí?

Anh bảo cô anh chống lại người cha phản động của anh, cô chửi rủa thành phần trí thức, mông đít hai người nổi rộp, và họ nắm tay nhau. Họ đi họp, tố cáo người đồng hương, nói dối, và yêu nhau. Cô khóc lóc thảm thiết vì ông Masturbov nào đó chết, anh gầm gừ trên người cô như con chó, và không ai có thể sống thiếu người kia được.

Anh muốn chùi xoá cô khỏi bức ảnh đời sống anh không phải bởi anh không yêu cô mà bởi anh có yêu cô. Anh tẩy xoá cô, cô và tình yêu của anh cho cô, anh gạch bỏ hình ảnh cô cho đến khi nào nó tan biến như khâu tuyên truyền của đảng làm Clementis tan biến khỏi cái bao lơn nơi Gottwald đọc bài diễn văn lịch sử. Mirek viết lại lịch sử cũng như đảng Cộng sản làm, như tất cả những đảng phái chính trị làm, như tất cả các giống dân, như loài người vẫn làm. Họ la to họ muốn tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn, nhưng điều đó không đúng sự thật. Tương lai chỉ là khoảng trống thản nhiên không ai thèm đoái hoài, nhưng quá khứ thì ngập ngụa đời sống và diện mạo nó thì khó chịu, gớm ghiếc, thương tích đến độ nó muốn tiêu huỷ hoặc vẽ lại tất cả. Chúng ta muốn làm chủ tương lai chỉ bởi chúng ta muốn có quyền lực thay đổi quá khứ. Chúng ta đánh nhau để giành giật quyền vào phòng thí nghiệm nơi chúng ta có thể tô vẽ lại hình ảnh và viết lại tiểu sử, lịch sử.

Anh ngừng lại trước trạm ga xe hoả đó trong bao lâu?

Và điều này có ý nghĩa gì?

Nó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Anh lập tức xoá nó khỏi trí óc anh để anh không còn nhớ gì ngôi nhà trắng nhỏ có hoa hải đường nữa. Một lần nữa không gian của thế giới chỉ là vật chướng ngại ngăn cản sinh hoạt của anh.

18.

Đậu ngay trước cửa nhà anh là chiếc xe anh lừa chạy thoát. Hai gã đàn ông cũng đứng gần đó.

Anh cho xe lên đậu sau xe hai gã rồi chui ra. Hai gã nhìn anh nở nụ cười gần như thân thiện như thể việc anh trốn thoát họ là trò chơi tinh quái thú vị. Lúc anh đi ngang mặt họ, gã đàn ông cổ to khoẻ và tóc rợn sóng nhìn anh cười đầu gật gật. Mirek thấy lòng quặn thắt nỗi âu lo với sự thân mật này, nó có nghĩa là từ đây anh sẽ còn phải thân thiết hơn nữa với bọn họ.

Không buồn chớp mắt, Mirek đi vào nhà. Anh tra thìa khoá mở cửa nhà. Đầu tiên anh thấy thằng con trai anh, mặt nó cố đè nén nỗi lo lắng. Một gã lạ mặt đeo kính bước lại Mirek và tự giới thiệu. “Anh cần xem giấy trát toà không?”

“Cần.” Mirek trả lời gã.

Có thêm hai người lạ nữa trong nhà anh. Một người đứng cạnh bàn làm việc của anh, trên đó giấy tờ, sổ tay và sách vở xếp thành chồng. Gã đang kiểm điểm từng món một. Ngồi nơi bàn giấy là gã thứ hai, gã đang ghi xuống những gì gã thứ nhất xướng lên.

Gã đeo kính rút ra từ trong túi áo ngực phong giấy gập đôi đưa ra cho Mirek xem. “Đây, đây là trát toà và kia”—gã chỉ về phía hai gã đàn ông khác—“chúng tôi đang làm danh sách cho anh ghi nhận những thứ chúng tôi tịch thu.”

Giấy tờ, sách vở vương vãi đầy sàn nhà, cửa tủ cũng mở, đồ đạc bàn ghế bị xô đẩy ra khỏi tường nhà. Thằng con trai anh lại gần anh bảo nhỏ: “Bố đi được năm phút thì họ đến.”

Nơi bàn làm việc, hai gã đàn ông ghi chép những giấy tờ bị tịch thu: thư từ bạn Mirek gửi cho anh, hồ sơ từ những ngày Nga mới chiếm đóng, bài phân tích tình hình chính trị, sổ tay ghi chép nội dung những buổi hội thảo họp hành.

“Anh thật là người chẳng biết lưu ý cho bạn bè gì cả.” Gã đeo kính nói với anh, gã hất hàm về phía đống giấy tờ bị tịch thu.

19.

Những kẻ bỏ xứ ra đi (một trăm hai mươi nghìn) và những kẻ ở lại bị bịt miệng và mất việc làm (nửa triệu) dần dà biến mất như đoàn diễn hành đi vào sương mù, tan biến và bị lãng quên.

Nhưng nhà tù, cho dù nó bị che kín bởi bốn bức tường bao bọc chung quanh, vẫn là cảnh sắc huy hoàng chói lọi của lịch sử.

Mirek từ lâu biết rõ như thế. Suốt năm vừa rồi, anh bị cái vinh quang của nhà tù mê hoặc. Có lẽ nó giống như Flaubert bị mê hoặc bởi chuyện Madame Bovary tự tử thôi. Không, Mirek không thể tưởng tượng ra đoạn kết nào tốt đẹp hơn thế cho cuốn tiểu thuyết cuộc đời anh.

Họ muốn bôi xoá hàng nghìn đời sống ra khỏi kí ức và quét sạch mọi thứ để còn lại chỉ là  thời đại trong sạch của khu vườn thượng uyển trong sạch. Nhưng Mirek sắp sửa đáp cái thân hình cỏn con của anh xuống khu vườn thượng uyển đó, như một vết nhơ. Anh sẽ ở trên đó như cái mũ của Clementis trên đầu Gottwald.

Họ bắt Mirek kí tên xuống tờ danh mục những thứ bị tịch thu rồi họ yêu cầu cha con anh đi theo họ. Sau một năm biệt giam họ đem anh ra toà xử. Mirek lãnh án sáu năm tù, con trai anh hai năm, mười người bạn của anh và của con anh, mỗi người từ một đến sáu năm.

 Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher, NXB HarperCollins, 1994.

About Trịnh Y Thư

Poet, Writer, Translator, Classical Guitarist
Bài này đã được đăng trong Translation. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này